Tăng đường huyết không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Đừng bỏ lỡ bài nghe hôm nay để hiểu rõ hơn!
1. Cơ chế khi ăn đường vào cơ thể
Cô chú, anh chị để ý nhé. Khi mình ăn vô, đường từ thức ăn sẽ được hấp thụ vào máu. Mức đường huyết sẽ tăng lên. Nhưng sau khi mình ăn xong, nếu không ăn nữa, đường trong máu sẽ bị tụt xuống vì cơ thể vẫn đang dùng năng lượng. Nếu mình để quá lâu mới ăn bữa tiếp theo, đường huyết sẽ rơi vào tình trạng quá thấp. Cứ lên rồi xuống như vậy, lâu ngày rất dễ xảy ra biến chứng.
Bây giờ mình hình dung nha. Một bữa lớn tầm 800 calo hay 600 calo, là gấp đôi nhu cầu của cơ thể. Ăn vô thì đường huyết tăng rất nhanh, tăng cao, làm cơ thể bị "ngợp". Sau đó, phải rất lâu, tầm 6 tiếng, mới ăn tiếp. Trong khoảng thời gian này, đường huyết lại rớt xuống quá thấp. Đây là lúc cơ thể mình dễ gặp nguy hiểm nhất.
Mình hay nghĩ chắc không sao đâu, nhưng thật ra, biến chứng tiểu đường có thể xảy ra trong tích tắc. Mấy cơn đột quỵ, cô chú, anh chị có thấy không? Đó, “bụp” cái, nằm ra đó. Lúc đó có muốn sửa chữa cũng không được nữa. Tế bào đã bị tổn thương rồi, không phục hồi được nữa đâu.
2. Tại sao nên chia nhỏ bữa ăn
Khi mình chia nhỏ bữa ăn, mục tiêu là giữ cho đường huyết nằm ở mức ổn định. Ăn vô, đường tăng nhẹ thôi, rồi mình nghỉ, đường giảm chút, xong mình lại ăn. Cứ như vậy, cơ thể nhận đủ năng lượng mà không bị “ngợp” đường.
Ví dụ nhé, nếu tế bào đã hư một phần rồi, ăn nhỏ bữa sẽ giúp đường từ từ đi vào và nuôi dưỡng phần tế bào còn lại. Nó không làm ứ đường bên ngoài quá nhiều, cũng không để tế bào bị đói. Cô chú, anh chị thấy không, đơn giản vậy mà giúp cơ thể khỏe hơn rất nhiều.
Bây giờ mình thử chia nha.
- 7 giờ sáng mình ăn bữa sáng. Ví dụ, một lát bánh mì nguyên cám, trứng luộc và ít dưa leo.
- 9 giờ sáng, mình ăn bữa phụ, có thể là một quả táo hoặc ly sữa không đường.
- Đến 12 giờ trưa là bữa chính, một bát cơm gạo lứt, cá hấp và rau luộc.
- 3 giờ chiều, lại một bữa phụ nhẹ như củ khoai lang luộc hay vài hạt hạnh nhân.
- 6 giờ rưỡi tối là bữa cuối cùng, đơn giản với chút salad rau xanh và thịt gà nướng.
Cứ như vậy, cơ thể mình sẽ nhận đủ năng lượng mà đường huyết vẫn ổn định.
Cô chú, anh chị thân mến. Chia nhỏ bữa ăn không phải là phiền toái mà chính là cách để bảo vệ sức khỏe. Thay vì ăn ít bữa mà nhiều, mình ăn nhiều bữa nhưng mỗi lần ít thôi. Cách này vừa đơn giản, vừa hiệu quả, cô chú, anh chị thử áp dụng ngay nhé!
Lưu ý là việc chia nhỏ bữa ăn và chọn thực phẩm phù hợp sẽ cần điều chỉnh theo tình trạng của mỗi cá nhân và chỉ định của Bác sĩ. Cô chú anh chị nên tham khảo thêm ý kiến chuyên môn trước khi áp dụng. Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp cô chú, anh chị hiểu rõ hơn về bệnh, từ đó kiểm soát sức khỏe tốt hơn mỗi ngày.
Tài liệu tham khảo:
Meal frequency strategies for the management of type 2 diabetes subjects Journal, NIH, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10903815/ , 29/02/2024
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >