Tiểu đường típ 2 (đái tháo đường típ 2) đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng quan ngại ở Việt Nam. Với những thay đổi trong lối sống và sinh hoạt hằng ngày, nguy cơ dẫn đến tiểu đường típ 2 đang cao hơn bao giờ hết. Tìm hiểu ngay các nguyên nhân mắc tiểu đường típ 2 ở Việt Nam để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân ngay từ hôm nay.
1. Di truyền
Di truyền là yếu tố không thể coi nhẹ trong việc hình thành tình trạng tiểu đường típ 2. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ bạn mắc bệnh cũng sẽ cao hơn.
Các gen có liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose (gờ-lu-co), có thể sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất insulin (in-su-lin). Đây là 2 yếu tố chính trong cơ chế chuyển hóa đường, và là nguyên nhân gây nên tình trạng tiểu đường típ 2.

2. Thừa cân và béo phì
2.1 Kháng insulin
Insulin được biết đến là một loại nội tiết tố, hay còn gọi là hormone (hóc-môn) được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường huyết.
Cụ thể, khi nạp thực phẩm vào cơ thể, thức ăn sẽ được chuyển hóa thành đường glucose (gờ-lu-co). Tại đây, insulin sẽ đóng vai trò là “chìa khóa” mở cánh cửa giúp đường glucose đi vào trong tế bào, từ đó cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động.
Nếu cửa không mở được, glucose không thể vào trong tế bào, vẫn bị giữ lại trong máu sẽ khiến đường huyết tăng cao. Hiện tượng này gọi là kháng Insulin.
2.2 Thừa cân tác động như thế nào đến đái tháo đường típ 2
Thừa cân và béo phì là một trong những yếu tố chính tăng nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2. Khi mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng tại vùng bụng tích trữ lớn sẽ ảnh hưởng đến quy trình hoạt động và gây nên tình trạng kháng insulin. Đây là nguyên nhân chính khiến bệnh lý tiểu đường típ 2 xảy ra.
Tại Việt Nam, tình trạng béo phì đang gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành phố lớn. Thế nên béo phì đang dần trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đái tháo đường típ 2 tại Việt Nam.

3. Lối sống ít vận động
Lối sống ít vận động đang trở thành một vấn đề lớn trong xã hội hiện đại. Việc ít vận động thể chất làm giảm sự nhạy cảm insulin (kháng insulin).
Theo các nghiên cứu, khoảng 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần là rất cần thiết để duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh lý tiểu đường. Để chọn được môn thể thao phù hợp nhất với bản thân, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị để đưa ra phương án tập luyện tốt nhất.

4. Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống không lành mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường huyết trong máu, đây là yếu tố chính của bệnh lý đái tháo đường. Khi ăn uống, cơ thể sẽ biến đổi thực phẩm thành glucose (đường) để tạo thành nguồn năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Ở Việt Nam, người dân thường tiêu thụ nhiều sản phẩm từ gạo, bún, mì, đồ chiên rán,... những thực phẩm này chứa nhiều carbohydrate tinh chế (những thực phẩm có chỉ số đường huyết cao) và chất béo không tốt cho sức khỏe. Thế nên để hạn chế và tránh xa tiểu đường, việc xây dựng cho bản thân một chế độ ăn hợp lý và lành mạnh là điều vô cùng quan trọng.

5. Tuổi tác
Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc đái tháo đường, đặc biệt là ở những người từ 45 tuổi trở lên. Nguyên nhân là do insulin sẽ sản xuất ít dần do sự lão hóa và sự thay đổi trong quá trình trao đổi chất.

6. Huyết áp và cholesterol cao
Các vấn đề về huyết áp và cholesterol cũng làm gia tăng nguy cơ đái tháo đường. Những người có huyết áp cao hoặc mức cholesterol không ổn định thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu, có thể dẫn đến mắc tiểu đường típ 2.

Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ dẫn đến tiểu đường típ 2 là rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh. Bạn có thể thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên kiểm tra sức khỏe để giảm nguy cơ mắc bệnh. Việc chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe sẽ giúp bạn và những người xung quanh sống khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2, CDC, 18/08/2016
2. Type 2 diabetes: symptoms, causes, treatment, WebMD, https://www.webmd.com/diabetes/type-2-diabetes, 25/06/2023
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >