1. Cơ chế chuyển hóa đường
Để hiểu được vai trò của chế độ ăn, trước tiên chúng ta cần biết cơ thể chuyển hóa đường (glucose) như thế nào.
Glucose là nguồn năng lượng chính cho cơ thể, được tạo ra khi chúng ta ăn các loại thực phẩm chứa tinh bột, đường, hoặc carbohydrate. Sau khi tiêu hóa, glucose sẽ đi vào máu, cung cấp năng lượng cho tế bào.
Tuy nhiên, để glucose từ máu đi vào tế bào, chúng ta cần insulin, một nội tiết tố, hay còn gọi là hormone được sản xuất bởi tuyến tụy. Insulin giống như một chiếc chìa khóa, giúp mở cửa để glucose đi vào tế bào và cung cấp năng lượng.
2. Vậy điều gì xảy ra ở người mắc đái tháo đường típ 2?
Ở người mắc đái tháo đường típ 2, cơ chế này gặp trục trặc: Insulin hoạt động không hiệu quả (hay còn gọi là tế bào kháng insulin). Kháng insulin có thể đến từ nhiều yếu tố, trong đó chế độ ăn uống không lành mạnh là một nguyên nhân quan trọng.
- Việc ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột, chất béo không lành mạnh, và ít vận động khiến cơ thể bị “quá tải” đường.
- Tuyến tụy phải tăng cường sản xuất insulin để đưa đường vào tế bào với công suất nhiều hơn bình thường.
- Khi lối sống không thay đổi, lượng đường nạp vào cơ thể ngày càng tăng, dẫn đến suy giảm và rối loạn chức năng của insulin. Kết quả là lượng đường trong máu tăng cao, gây ra đái tháo đường típ 2.
Chính vì vậy, chế độ ăn uống đóng vai trò cốt lõi trong việc kiểm soát đường huyết.
3. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống không chỉ giúp ổn định đường huyết mà còn hỗ trợ cải thiện tình trạng kháng insulin và ngăn ngừa biến chứng. Cô chú, anh chị có thể làm điều này bằng cách:
- Chọn thực phẩm thông minh: ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ như rau xanh, gạo lứt, khoai lang.
- Giảm tải áp lực cho cơ thể: Tránh các thực phẩm gây tăng đường huyết nhanh như bánh kẹo, cơm trắng, nước ngọt.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Một chế độ ăn lành mạnh giúp giảm mỡ thừa, cải thiện hiệu quả của insulin.
Cô chú, anh chị thân mến, chế độ ăn không phải là sự hạn chế mà chính là cách để cơ thể khỏe mạnh hơn. Bằng cách điều chỉnh thói quen ăn uống, cô chú, anh chị không chỉ kiểm soát được bệnh mà còn sống vui khỏe mỗi ngày! Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp cô chú, anh chị hiểu rõ hơn về bệnh, từ đó kiểm soát sức khỏe tốt hơn mỗi ngày.
Tài liệu tham khảo:
1. Tips for Eating Well, ADA, https://diabetes.org/food-nutrition/eating-healthy
2. Why You Should Drink More Water, ADA, https://diabetes.org/food-nutrition/eating-healthy/why-drink-more-water
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >