Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một chủ đề rất quan trọng với sức khỏe của người bệnh tiểu đường là Glucose và Insulin, cặp đôi quyết định sức khỏe của người tiểu đường.
Đây là hai yếu tố mà nếu hiểu rõ, sẽ giúp chúng ta kiểm soát đường huyết và sống khỏe hơn mỗi ngày.
1. Glucose và insulin
1.1 Glucose là gì
Đầu tiên, hãy cùng nhau tìm hiểu glucose là gì và tại sao quan trọng với cơ thể.
Hiểu một cách đơn giản, glucose là nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Khi cô chú, anh chị ăn cơm, bún, bánh mì, hoặc trái cây, hệ tiêu hoá sẽ chuyển hóa thức ăn thành glucose – một loại đường và đưa vào máu để nuôi sống các tế bào và cơ quan. Glucose giúp cơ thể có năng lượng để làm mọi thứ, từ đi lại, làm việc, đến cả việc hít thở hay ngủ.
Thêm vào đó, nếu chúng ta ăn nhiều quá mà chưa cần dùng ngay, glucose sẽ được tích trữ trong gan và cơ bắp để dành dùng sau.
1.2. Hiểu về insulin
Vậy làm thế nào để cơ thể dùng được glucose này? Lúc này, chúng ta sẽ cần đến insulin.
Hiểu đơn giản, insulin là một loại nội tiết tố, hay còn gọi là hormone, được sản xuất bởi tuyến tụy. Insulin giống như một chiếc chìa khóa, giúp mở cửa để glucose đi từ máu vào trong tế bào. Tế bào sẽ sử dụng glucose này để sinh ra năng lượng, giữ cho cơ thể khỏe mạnh và hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, ở người bệnh tiểu đường, cơ thể có thể gặp hai vấn đề:
- Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin.
- Hoặc các tế bào không phản ứng tốt với insulin, khiến glucose không thể vào tế bào như bình thường.
Khi điều này xảy ra, glucose sẽ bị kẹt lại trong máu, khiến đường huyết tăng cao. Đây còn gọi là tình trạng kháng insulin, nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường.
Đường huyết cao kéo dài không chỉ gây tiểu đường mà còn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, mắt và thần kinh. Vì vậy, insulin đóng vai trò rất quan trọng.
2. Bí quyết cân bằng giữa glucose và insulin
Đối với người bệnh tiểu đường, hiểu rõ và cân bằng giữa glucose và insulin là chìa khóa để kiểm soát bệnh. Dưới đây là 3 bí quyết quan trọng:
- Ăn uống lành mạnh: nên chọn thực phẩm ít đường, nhiều chất xơ, như rau củ, cá, hoặc ngũ cốc nguyên hạt. Tránh xa đồ uống ngọt, bánh kẹo hay thực phẩm chế biến sẵn. Và nhớ chia nhỏ bữa ăn trong ngày để đường huyết không tăng đột ngột.
- Vận động thường xuyên: một buổi đi bộ 30 phút mỗi ngày không chỉ giúp tiêu hao năng lượng dư thừa mà còn giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn.
- Tuân thủ điều trị: đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ và sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nhé. Điều này cực kỳ quan trọng để phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng.
Vậy là hôm nay, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về glucose là nguồn năng lượng chính cho cơ thể, và insulin là một chất hormone quan trọng, giúp điều hòa lượng đường trong máu. Hiểu và giữ được sự cân bằng giữa hai yếu tố này chính là chìa khóa để kiểm soát bệnh tiểu đường và tránh các biến chứng nguy hiểm. Cảm ơn cô chú, anh chị đã lắng nghe!
Tài liệu tham khảo:
1. Obesity: Health consequences of being overweight, WHO, 23/11/2023
2. Obesity, WHO, https://www.who.int/health-topics/obesity#tab=tab_1, 21/2/2020
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >