Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm của đái tháo đường típ 2 là cực kỳ quan trọng. Đây là giai đoạn vàng quyết định xem căn bệnh nguy hiểm này sẽ tiến xa với bạn đến đâu. Đừng để đái tháo đường típ 2 âm thầm đến và ra tay với bạn.
1.Dấu hiệu phổ biến của đái tháo đường típ 2
1.1 Khát nước và đi tiểu nhiều
Một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh tiểu đường (đái tháo đường) típ 2 là cảm giác khát nước liên tục.
Khi lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể sẽ cố gắng loại bỏ lượng đường dư thừa qua nước tiểu. Kết quả là, bạn sẽ phải đi tiểu từ 4 - 10 lần mỗi ngày.
Tuy nhiên, điều này lại tạo nên một vòng luẩn quẩn khó tránh: đi tiểu nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước, từ đó sẽ có cảm giác khát không ngừng, khát và uống nước sẽ lại khiến đi tiểu nhiều.

1.2 Đói và mệt mỏi
Bạn cảm giác đói cho dù mới ăn xong? Ngoài ra cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi. Đây là dấu hiệu cảnh báo về bệnh đái tháo đường típ 2. Vậy tại sao lại có dấu hiệu này?
Đầu tiên, phải nói về cơ chế chuyển hoá đường của cơ thể:
- Insulin được biết đến là một loại nội tiết tố, hay còn gọi là hormone (hóc-môn) được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường huyết.
Khi nạp thực phẩm vào cơ thể, thức ăn sẽ được chuyển hóa thành đường glucose (gờ-lu-co). Tại đây, insulin sẽ đóng vai trò là “chìa khóa” mở cánh cửa giúp đường glucose đi vào trong tế bào, từ đó cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động.
+ Khi các tế bào phản ứng tốt với insulin: glucose tiến vào tế bào tạo năng lượng cho cơ thể.
+ Các tế bào không phản ứng tốt với insulin (kháng insulin): cửa không mở được, glucose không thể vào trong tế bào, glucose vẫn bị giữ lại trong máu sẽ khiến đường huyết tăng cao, thiếu năng lượng khiến chúng ta đói và mệt mỏi.
Vì đói khiến cơ thể rất thèm ăn và ăn nhiều hơn, tình trạng này làm lượng đường trong máu vẫn tiếp tục tăng cao. Ảnh hưởng cực kì lớn đối với cân nặng và sức khỏe đường huyết.
1.3 Mờ mắt
Khi đường huyết tăng cao ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ ở đáy mắt, khiến thuỷ tinh thể sưng phồng và làm giảm thị lực. Tình trạng mờ mắt có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.
May mắn là tình trạng này có thể biến mất khi mức đường huyết trở lại bình thường. Tuy nhiên, hãy cực kì cẩn thận bởi nếu không được điều trị và can thiệp kịp thời, một số tình trạng nghiêm trọng như võng mạc đái tháo đường, mù lòa,... có thể xảy ra.

1.4 Tê ngứa tay/ chân
Nồng độ đường huyết ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, từ đó xảy ra các nguy cơ về việc tổn thương dây thần kinh. Những triệu chứng tiêu biểu có thể dễ dàng nhận biết như: tê, ngứa, cảm giác kiến bò ở các chi,... sẽ thường xuyên xảy ra. Mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào sự phát triển của bệnh lý và theo từng đoạn thời gian.
Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, từ những biểu hiện tê ngứa ban đầu sẽ tiến triển thành đau, sưng, tổn thương nặng dây thần kinh,....

1.5 Da sậm màu theo từng mảng
Một ngày, nếu phát hiện có một số mảng da bị sậm màu không rõ nguyên do, đặc biệt là ở những khu vực như nách, cổ, bẹn,... Hãy đặc biệt chú ý đến nó bởi nó hay được biết tới với cái tên “gai đen”, một biểu hiện kháng insulin dễ thấy khi mắc bệnh đái tháo đường típ 2.

1.6 Vết thương lâu lành
Khi gặp phải các vết thương nhỏ như: đứt tay, trầy xước, rách da,... mà thời gian hồi phục kéo dài hơn những khi bình thường, hãy cảnh giác!
Lượng đường huyết cao, tồn tại lâu trong máu có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh cùng với mạch máu. Nó làm cho quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho quá trình hồi phục bị cản trở, thế nên dù là những vết cắt nhỏ cũng có thể khiến bạn mất nhiều tuần hoặc cả tháng mới có thể lành hẳn.

1.7 Dễ nhiễm trùng
Người mắc đái tháo đường típ 2 thường dễ bị nhiễm trùng hơn, nguyên nhân là vì lượng đường dư thừa trong máu cùng với nước tiểu ở một số bộ phận nhạy cảm sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của nấm cùng vi khuẩn. Đây là yếu tố hàng đầu gây nhiễm trùng.
Những vùng da ẩm ướt như miệng, nướu, bàng quang, âm đạo, vùng da dưới cánh tay,... cũng sẽ là nơi lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Biểu hiện có thể thấy bao gồm ngứa, đỏ, sưng tấy và đau rát.

2. Khi nào cần thăm khám?
Nếu phát hiện bản thân có một hay nhiều dấu hiệu trên. Đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường như: béo phì, trên 45 tuổi, gia đình có người tiền sử mắc tiểu đường,... thì hãy cân nhắc đến việc đi khám ngay.
Ngoài ra, một số biểu hiện khác cũng đáng cần được chú ý nếu như:
- Có cảm giác buồn nôn, mệt người và rất khát nước.
- Đi tiểu nhiều lần.
- Đau bụng quằn quại.
- Thở nhanh và sâu hơn bình thường.
- Hơi thở có mùi hôi như mùi nước tẩy sơn móng tay - đây là dấu hiệu của nhiễm ketone, một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra ở những người mắc đái tháo đường típ 2,...

Vì đái tháo đường típ 2 thường tiến triển âm thầm và không có những triệu chứng nguy hiểm rõ rệt nên thường dễ bị mọi người bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không nhận biết sớm các dấu hiệu đái tháo đường, sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
Bạn có thể sắm ngay cho mình những thiết bị và Ứng dụng giúp tăng tuân thủ điều trị, kết nối chặt với Bác sĩ tại nhà. Từ đó can thiệp ngay khi có bất cứ dấu hiệu bất thường. Đừng chủ quan với sức khỏe của chính mình.
Tài liệu tham khảo:
1. Lack of sleep and diabetes, Pacheco, D, https://www.sleepfoundation.org/physical-health/lack-of-sleep-and-diabetes, 26/10/2023
2. Diabetes, United Kingdom National Health Service, https://www.nhs.uk/conditions/diabetes/, 05/10/2023
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >