Tiểu đường (đái tháo đường) không chỉ ảnh hưởng đến đường huyết, nó còn có thể gây nên biến chứng thần kinh đái tháo đường do bị tổn thương. Bài viết dưới đây giúp bạn tìm hiểu về chúng và có cách xử lý kịp thời.
1. Các loại bệnh thần kinh do đái tháo đường
Khi mắc đái tháo đường, lượng đường huyết cao kéo dài có thể gây tổn thương cho các dây thần kinh. Thuật ngữ y khoa cho tình trạng này là “bệnh thần kinh do đái tháo đường” (Diabetic Neuropathy).
Biến chứng thần kinh do đái tháo đường thường phát triển chậm và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, để lại hậu quả đáng tiếc nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1.1 Bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh lý thần kinh ngoại biên là loại tổn thương thần kinh phổ biến nhất, hay còn được gọi là “bệnh đa dây thần kinh” (Polyneuropathy).
1.1.1 Triệu chứng
Tổn thương thần kinh ngoại biên thường bắt đầu từ ngón chân và bàn chân. Một số không có triệu chứng, nhưng số khác có thể gặp các triệu chứng như:
- Tê hoặc mất cảm giác.
- Đau hoặc nóng rát, chuyển biến xấu khi nghỉ ngơi hoặc đau hơn vào ban đêm.
- Ngứa ran.
- Cảm giác chạm nhẹ cũng trở nên khó chịu và đau.
Khi tổn thương thần kinh tiến triển xấu, triệu chứng có thể lan từ bàn chân lên đến khắp chân và tay.

1.1.2 Hậu quả của tổn thương thần kinh ngoại biên
Tổn thương thần kinh có thể khiến người bệnh không cảm nhận được cảm giác đau. Bình thường khi chân bị thương, cảm giác đau sẽ báo hiệu để cơ thể xử lý. Nhưng khi bị tổn thương thần kinh, người bệnh không biết mình có vết thương, thế nên sẽ không được điều trị kịp thời, từ đó làm vết thương dễ bị nhiễm trùng, lở loét.
Tổn thương thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến xương, cơ, khớp ở bàn chân, khiến bàn chân có thể bị biến dạng theo thời gian.
1.2 Bệnh thần kinh tự chủ
Sau bệnh thần kinh ngoại biên, thần kinh tự chủ là loại bệnh thần kinh phổ biến thứ 2 ở người mắc đái tháo đường. Hệ thần kinh tự chủ kiểm soát một loạt các cơ quan quan trọng, tìm hiểu ngay:
1.2.1 Hệ tiêu hóa
Tổn thương dây thần kinh ở hệ tiêu hóa có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu, như: táo bón, tiêu chảy, khó nuốt và liệt dạ dày (dạ dày không co bóp và làm trống hiệu quả).
Liệt dạ dày dẫn đến việc tiêu hóa bị chậm lại, khiến thức ăn không chuyển từ dạ dày sang ruột non như bình thường, bạn sẽ có cảm giác buồn nôn và cảm thấy nhanh no. Điều này gây khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường huyết.

1.2.2 Cơ quan sinh dục và bàng quang
Bệnh thần kinh tự chủ gây ra những trở ngại trong đời sống tình dục như: rối loạn cương dương, khô âm đạo, khó đạt cực khoái.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến bàng quang cũng có thể xảy ra như tình trạng tiểu không tự chủ hoặc tiểu không hết.

1.2.3 Hệ tim mạch
Tổn thương dây thần kinh khiến nhịp tim và huyết áp phản ứng chậm, gây ra tụt huyết áp, nhịp tim nhanh bất thường, choáng váng khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức.
Một trong những thách thức lớn khi mắc bệnh thần kinh tự chủ là việc nhận diện các triệu chứng của cơn đau tim, một số triệu chứng bạn cần phải nắm rõ như: ra mồ hôi, đau ở cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày, hụt hơi, buồn nôn,...

1.2.4 Tuyến mồ hôi
Khi mắc bệnh thần kinh tự chủ, các vấn đề liên quan đến tuyến mồ hôi có thể xảy ra như sau:
- Ra mồ hôi quá mức (hyperhidrosis): Tạo ra cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Mồ hôi không đủ (anhidrosis): Giảm khả năng kiểm soát nhiệt độ cơ thể, dẫn đến nguy cơ quá nhiệt.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng da: Mồ hôi và độ ẩm cao có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển.

2. Chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường
Để chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường, Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách thu thập thông tin bao gồm triệu chứng hiện tại và tiền sử bệnh. Quá trình thăm khám sẽ bao gồm việc kiểm tra khả năng vận động, cảm giác, nhịp tim và huyết áp để đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe.
Để xác định chính xác mức độ và loại tổn thương thần kinh, Bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm sau:
- Siêu âm: để kiểm tra hoạt động của đường tiết niệu.
- Điện cơ: để đánh giá chức năng của các dây thần kinh.
- Sinh thiết thần kinh cơ: để phân tích mô bệnh học một cách chi tiết hơn.

3. Phòng ngừa tổn thương thần kinh do đái tháo đường
Một số nghiên cứu cho rằng, có thể làm giảm nguy cơ tổn thương thần kinh do đái tháo đường nếu:
- Duy trì đường huyết gần mức bình thường.
- Không hút thuốc hoặc bỏ thuốc (nếu đang hút).
- Ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất đều đặn.
- Giảm cân (nếu thừa cân).
- Điều trị tăng huyết áp và bệnh tim (nếu có).
- Kiểm soát cơn đau và các biến chứng bằng cách dùng thuốc, kem bôi, luyện tập thư giãn,...

Các biến chứng thần kinh tiểu đường thường rất phổ biến và thường gặp. Việc nhận biết và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Đặc biệt cần kiểm soát đường huyết để cải thiện từ gốc vấn đề.
Với sự phát triển của công nghệ, việc đưa các app, các ứng dụng để hỗ trợ điều trị đang ngày càng phổ biến. Bạn có thể sắm ngay cho mình những thiết bị và Ứng dụng giúp tuân thủ điều trị và kết nối chặt với Bác sĩ ngay tại nhà. Cũng đừng quên theo dõi kênh để cập nhật được những kiến thức sức khỏe mới nhất nhé!
Tài liệu tham khảo:
1. Diabetic neuropathy (nerve damage), Diabetes UK, 08/11/2024
2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Đái tháo đường típ 2 - Bộ Y tế, 2020
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >