Mỗi ngày bạn đều nhìn thấy thế giới qua đôi mắt của mình, nhưng liệu bạn có sẵn sàng để mất đi điều quý giá này? Với tiểu đường (đái thái đường), những biến chứng về mắt là cực kỳ đáng quan ngại. Cùng tìm hiểu về những biến chứng về mắt ở bệnh tiểu đường ngay.
1. Biến chứng võng mạc đái tháo đường
1.1 Định nghĩa võng mạc do tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường (đái tháo đường) là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất ở người mắc tiểu đường.
Võng mạc đái tháo đường xảy ra khi đường huyết kéo dài, các mạch máu trong võng mạc bị tổn thương, hư hỏng. Mặc dù cơ thể cố gắng tạo ra các mạch máu mới để cung cấp máu cho võng mạc, nhưng những mạch máu này thường rất yếu và dễ vỡ, gây xuất huyết trong mắt. Hệ quả là làm người mắc giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.

1.2 Triệu chứng
- Mờ mắt: thị lực dần trở yếu, tầm nhìn trở nên mờ dần theo thời gian.
- Đốm đen: khi nhìn tập trung vào một đối tượng nào đó, những đốm đen xuất hiện và cản trở tầm nhìn.
- Khó nhìn vào ban đêm: việc nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc ban đêm sẽ gặp khó khăn.
- Mất thị lực: khi chuyển sang giai đoạn nặng, thị lực bị tổn thương nghiêm trọng đến mức không phục hồi được.

1.3 Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa biến chứng võng mạc do tình trạng tiểu đường đem đến, bạn cần:
- Kiểm soát đường huyết: giữ mức đường huyết ổn định thông qua chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, kết hợp dùng thuốc và tuân thủ các chỉ định của Bác sĩ.
- Khám mắt định kỳ: người mắc tiểu đường nên kiểm tra mắt ít nhất 1 lần mỗi năm để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh lý võng mạc.

2. Biến chứng đục thủy tinh thể
2.1 Định nghĩa
Nồng độ glucose (gờ-lu-co) cao ở người mắc tiểu đường khiến tích tụ chất lỏng, mờ đục trong thủy tinh thể, làm cản trở ánh sáng truyền vào võng mạc, từ đó ảnh hưởng đến thị giác. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.

2.2 Triệu chứng
- Thị lực mờ đục: mắt có cảm giác như nhìn xuyên qua lớp sương mù hoặc nước.
- Khó khăn khi nhìn vào ban đêm: người mắc đục thủy tinh thể sẽ gặp khó khăn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, đặc biệt là vào ban đêm.
- Nhạy cảm với ánh sáng: đặc biệt khó chịu với ánh sáng mạnh.
- Biến đổi màu sắc: cảm thấy màu sắc trông nhạt hơn hoặc không chính xác so với màu gốc ban đầu.

2.3 Cách phòng ngừa
- Chế độ ăn uống lành mạnh: xây dựng một chế độ ăn lành mạnh với nhiều chất xơ, protein nạc và chất béo tốt, đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A, C, E và omega-3, giúp bảo vệ sức khỏe mắt.
- Khám mắt định kỳ: kiểm tra tình trạng mắt thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm khi có dấu hiệu đục thủy tinh thể.
3. Biến chứng Glaucoma (tăng nhãn áp)
3.1 Định nghĩa
Glaucoma hay còn gọi là tăng nhãn áp là tình trạng tăng áp lực bên trong mắt. Tình trạng này xảy ra do tắc nghẽn ở hệ thống thoát dịch của mắt.
Với người mắc tiểu đường, do tổn thương các mạch máu nhỏ và sự thay đổi trong cấu trúc của mắt nên làm mắt thoát dịch kém, từ đó làm tăng áp lực trong mắt. Điều này khiến thần kinh thị giác bị tổn thương và gây mất thị lực.

3.2 Triệu chứng
- Mờ mắt: thị lực trở nên mờ và đục dần theo thời gian.
- Đau nhức: cảm giác đau nhức tại mắt và xung quanh mắt.
- Thay đổi đồng tử: đồng tử to hơn hoặc có thay đổi bất thường khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Nhìn thấy vòng sáng: đặc biệt là xung quanh các nguồn sáng như đèn đường, đèn xe hơi, xe gắn máy,...
3.3 Cách phòng ngừa
- Khám mắt định kỳ: nên thực hiện khám mắt ít nhất một lần mỗi năm để kiểm tra áp lực nội nhãn và phát hiện sớm dấu hiệu của glaucoma.
- Kiểm soát tốt đường huyết: giữ cho mức đường huyết trong mức bình thường có thể giúp giảm nguy cơ mắc glaucoma.

4. Giảm khả năng tập trung thị lực do tiểu đường
4.1 Định nghĩa
Tiểu đường khiến thay đổi cấu trúc của mắt, từ đó ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh tiêu cự. Đồng thời, tổn thương thần kinh làm giảm khả năng nhìn tập trung của thị lực. Từ đó khiến người mắc tiểu đường khó nhìn rõ các đối tượng, đặc biệt là những đối tượng ở gần.

4.2 Triệu chứng
- Khó khăn khi đọc: đặc biệt là việc đọc chữ nhỏ hoặc chữ in.
- Cảm giác mỏi mắt: cần mất nhiều thời gian hơn để tập trung vào một đối tượng, đồng thời dễ bị mỏi mắt hơn.
- Biến đổi tầm nhìn: nhận thấy thị lực hay đổi khi di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác.
4.3 Cách phòng ngừa
- Kiểm soát sức khỏe tổng thể: duy trì một lối sống lành mạnh thông qua chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
- Nghỉ ngơi cho mắt: khi làm việc nhiều với màn hình máy tính hoặc đọc sách, hãy nghỉ ngơi thường xuyên để giảm thiểu mỏi mắt.
5. Biến chứng song thị
5.1 Định nghĩa
Biến chứng song thị ở người mắc tiểu đường là tình trạng nhìn thấy hai hình ảnh của một đối tượng, gây khó khăn trong việc nhận diện chính xác.
Nguyên nhân là do tổn thương thần kinh gây rối loạn khả năng phối hợp giữa các cơ mắt, dẫn đến hiện tượng nhìn đôi.

5.2 Triệu chứng
- Nhìn thấy 2 hình ảnh: gặp khó khăn trong việc tập trung và xác định đối tượng, vì nhìn thấy một đối tượng xuất hiện 2 lần.
- Khó khăn trong việc điều chỉnh mắt: mất cân bằng khi nhìn.
5.3 Cách phòng ngừa
- Theo dõi định kỳ với bác sĩ: nên kiểm tra tình trạng mắt thường xuyên để phát hiện và điều trị kịp thời.
- Sử dụng kính mắt phù hợp: kính có thể giúp cải thiện khả năng nhìn và giảm thiểu chứng song thị.

Những biến chứng mắt ở người tiểu đường là một vấn đề nghiêm trọng. Nó không chỉ tác động đến thị lực mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt mức đường huyết, duy trì lối sống lành mạnh và tầm soát thường xuyên có thể giúp phòng ngừa những biến chứng về mắt cực kỳ hiệu quả.
Bạn có thể đưa các ứng dụng chăm sóc sức khỏe y tế tiểu đường vào để kiểm soát sức khỏe đường huyết. Đồng thời tuân thủ lối sống và phác đồ điều trị dưới sự hướng dẫn và cập nhật liên tục từ Bác sĩ. Đừng chủ quan với những biến chứng tiểu đường, cảnh giác ngay hôm nay!
Tài liệu tham khảo:
1. Diabetes complications - CDC, https://www.cdc.gov/diabetes/complications/?CDC_AAref_Val=https://www.cdc.gov/diabetes/managing/problems.html , 15/05/2024
2. Mohamed Q, Gillies MC, Wong TY. Management of diabetic retinopathy: A systematic review. JAMA 298(8):902-916, 2007 doi: 10.1001/jama.298.8.902
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >