Nhiễm toan ceton là một trong những biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của đái tháo đường, có thể dẫn đến hôn mê và đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Nhưng tại sao tình trạng này lại xảy ra, làm sao để nhận biết và xử lý đúng cách? Cùng tìm hiểu ngay để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu nhé!
1. Nhiễm toan ceton là gì và tại sao nó lại nguy hiểm?
Nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể không có đủ chìa khóa insulin để chuyển hóa đường (glucose) thành năng lượng. Nên cơ thể phải đốt cháy chất béo để bù vào tạo năng lượng, quá trình này sinh ra axit ceton, khiến máu trở nên axit hóa, gây nhiễm toan.
2. Nguyên nhân nhiễm toan ceton
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do thiếu insulin, sự cố khi bơm insulin, gặp các bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh lý nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim.
3. Triệu chứng
Nhiễm toan ceton thường khởi phát với các triệu chứng điển hình như khát nước, đi tiểu nhiều, mệt mỏi, tê ngứa tay chân,... và các triệu chứng tương tự như các triệu chứng thông thường của đái tháo đường. Tuy nhiên, hãy thật cảnh giác và đi khám ngay nếu có bất cứ dấu hiệu đặc biệt dưới đây:
- Đường huyết trên 250mg/dl tức trên 14 chấm kèm theo buồn nôn, nôn, hoặc đau bụng.
- Thở nhanh, khó thở hoặc hơi thở có mùi trái cây chín do cơ thể cố gắng đào thải ceton qua hơi thở.
- Mệt mỏi quá mức, lơ mơ hoặc mất ý thức.
- Xét nghiệm tại nhà cho thấy mức ceton trong nước tiểu hoặc trong máu cao.

Cô chú, anh chị lưu ý đây là một tình trạng cấp cứu, cần được phát hiện sớm và can thiệp ngay để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm bao gồm sốc, suy đa tạng, thậm chí là tử vong.
Việc nhận biết sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng của nhiễm toan ceton. Vì vậy, hãy luôn theo dõi sức khỏe, kiểm tra đường huyết định kỳ và đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Chủ động bảo vệ sức khỏe hôm nay chính là cách tốt nhất để tránh xa những biến chứng nguy hiểm trong tương lai!
Tài liệu tham khảo:
1. Diabetes complications, CDC, 15/05/2024
2. Diabetic ketoacidosis – Symptoms & causes, Mayo Clinic, 06/10/2022
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >