Mức đường huyết ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tiểu đường (đái tháo đường), đặc biệt là gây nên hàng loạt những biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá thế nào là "vùng đường huyết nguy hiểm"? Những tác động của nó đến sức khỏe như thế nào? Tìm hiểu ngay.
1. Vùng đường huyết nguy hiểm và hậu quả cần lưu ý
Đường huyết vượt ngưỡng an toàn, dù là quá cao hay quá thấp, đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe. Hiểu rõ các ngưỡng chỉ số và hậu quả của đường huyết bất thường là bước đầu tiên phòng tránh và kiểm soát tốt hơn bệnh tiểu đường.

1.1 Đường huyết cao
Khi mức đường huyết duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài, cơ thể phải đối mặt với nhiều tổn thương nghiêm trọng.
- Chỉ số nguy hiểm:
+ Lúc đói: > 130 mg/dL.
+ Sau ăn: > 180 mg/dL.
- Hậu quả:
+ Biến chứng mạch máu: đường huyết cao làm tổn thương thành mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.
+ Biến chứng thận: các mạch máu nhỏ ở thận bị hư hại, gây suy thận hoặc giảm chức năng thận.
+ Biến chứng mắt: mức đường huyết cao gây tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể, thậm chí dẫn đến mù lòa.
+ Tổn thương thần kinh: đường huyết cao kéo dài làm tổn thương hệ thần kinh, gây tê bì, đau nhức tay chân.

1.2 Đường huyết thấp
Ngược lại, đường huyết thấp cũng nguy hiểm không kém, đặc biệt khi không được xử lý kịp thời.
- Chỉ số nguy hiểm:
+ Nhẹ: < 80 mg/dL (với chỉ số đo đường huyết đói, nhịn ăn trên 8 tiếng < 70 mg/dL)
+ Nguy hiểm: < 54 mg/dL.
- Một số nguyên nhân dẫn đến đường huyết thấp là do
+ Dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết quá liều.
+ Tập luyện quá mức mà không bổ sung đủ lượng đường cần thiết, không ăn uống đầy đủ,...

- Hậu quả:
+ Triệu chứng nhẹ: có thể cảm thấy đói cồn cào, run rẩy, hoặc đổ mồ hôi nhiều.
+ Triệu chứng nặng: có thể gây hoảng loạn, co giật, thậm chí mất ý thức. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong.
2. Cách ứng phó khi đường huyết bất thường
2.1 Đường huyết tăng cao
Khi đường huyết tăng cao:
- Hãy thường xuyên kiểm tra đường huyết (vài giờ một lần).
- Uống nhiều nước để giúp đào thải đường ra khỏi cơ thể.
- Theo dõi sát tình trạng sức khỏe,... Nếu không cải thiện mức đường huyết, hãy liên hệ với Bác sĩ ngay.

2.2 Hạ đường huyết
Khi gặp tình trạng hạ đường huyết đột ngột:
- Hãy ngừng hoạt động ngay lập tức và bổ sung thực phẩm/đồ uống có đường như: nước trái cây, viên đường, kẹo ngọt,...
- Sau đó, theo dõi mức đường huyết thường xuyên. Nếu mức đường huyết vẫn chưa ổn định, hãy tìm đến sự hỗ trợ từ Bác sĩ.

3. Làm thế nào để tránh vùng đường huyết nguy hiểm?
Điều chỉnh lối sống là điều tất yếu đối với những ai mắc tiểu đường. Để có thể kiểm soát và tránh vùng đường huyết nguy hiểm, bạn cần:
- Duy trì lối sống lành mạnh và cân bằng: đây là điều cực kỳ quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường, bao gồm ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động thể chất.
- Thuốc: phương pháp không thể bỏ qua là việc sử dụng thuốc để giúp hạ đường huyết. Thuốc giúp cơ thể sản xuất nhiều insulin (in-su-lin) hơn hoặc giúp insulin hoạt động hiệu quả hơn. Ở một số trường hợp có thể cần tiêm insulin.
- Chăm sóc y tế tổng quát: chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm theo dõi huyết áp và mức cholesterol. Ngoài ra, nên tiêm các loại vắc-xin cần thiết như vắc-xin phòng cúm, Covid-19, vắc-xin ngừa viêm phổi,...
- Theo dõi đường huyết thường xuyên: kiểm tra mức đường huyết mỗi ngày theo hướng dẫn của Bác sĩ giúp bạn dễ dàng phát hiện sớm các vấn đề.
- Tuân thủ theo phác đồ điều trị: sử dụng thuốc hoặc insulin theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

4. Khi nào cần đo đường huyết?
- Trước và sau bữa ăn: để theo dõi phản ứng của cơ thể với thức ăn.
- Trước khi tập thể dục: để đảm bảo mức đường huyết không quá thấp.
- Trước khi đi ngủ: để tránh nguy cơ hạ đường huyết trong lúc ngủ.
- Khi có triệu chứng bất thường: nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc có dấu hiệu của tăng hoặc giảm đường huyết.

“Vùng đường huyết nguy hiểm” là một khái niệm quan trọng mà tất cả những ai mắc tiểu đường cũng cần phải hiểu rõ. Việc duy trì mức đường huyết ổn định là một hành trình cần sự kiên nhẫn và nỗ lực, từ việc điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất cho đến việc theo dõi các chỉ số và sử dụng thuốc đúng cách,...
Bạn có thể sử dụng những thiết bị điện tử hoặc các app theo dõi để kiểm soát tất cả các vấn đề trên. Hơn thế còn giúp tăng tuân thủ điều trị và kết nối chặt chẽ với Bác sĩ ngay tại nhà, từ đó cập nhật và điều chỉnh liệu trình điều trị một cách kịp thời nhất. Ổn định sức khỏe tiểu đường ngay hôm nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Diabetes complications, CDC, 15/05/2024
2. Triệu chứng tiểu đường và những điều cần biết, Bộ Y tế, 14/09/2015
Nội dung trên chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho tư vấn y khoa. Hãy trao đổi trực tiếp với Bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người! Xem thêm >